Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là mục tiêu hướng tới của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2021-2025

Thứ 5, ngày 3 tháng 6 năm 2021 - 17:01
Ngày 02/6/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số: 90/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: Phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu là: Duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với 79 sản phẩm đã được chứng nhận năm 2020. Tiêu chuẩn hoá 44 sản phẩm đã xếp hạng năm 2020 từ hạng 3 sao để nâng lên hạng 4 sao, 5 sao. Tiêu chuẩn hoá 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao, lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 07 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm hạng 5 sao).

Những sản phẩm tiềm năng được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn hỗ trợ tiêu chuẩn hoá trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao, đó là:

          (1)- Sản phẩm Homestay 99 ngọn núi, chủ thể là Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Du khách đến với Homestay 99 ngọn núi sẽ được trải nghiệm, khám phá nét văn hoá của đồng bào người Tày và sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước hữu tình, khám phá vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long trên cạn”. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về chàng trai Tài Ngào với chiếc Cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời).

Đến với Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc, với hàng chục loại thảo dược hòa quyện lại với nhau, trong đó có các loại cây dược liệu cực hiếm. Tất cả tạo nên một phương thuốc tắm giúp con người thư giãn gân cốt, lưu thông khí huyết, thải độc cơ thể, xua tan mệt mỏi, giảm đau nhức xương khớp và đặc biệt là giúp an thần, tĩnh tâm.

          (2)- (3)- Sản phẩm chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá và sản phẩm Lộc Trà, chủ thể là Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận 02 sản phẩm này đạt hạng 4 sao.

          Cây chè Shan tuyết là cây trồng bản địa thuần chủng trên địa bàn xã Hồng Thái nói riêng và một số xã lân cận trên địa bàn huyện Na Hang nói chung (như Sinh Long, Sơn Phú), với tổng diện tích toàn huyện trên 1.300 ha. Nơi đây có độ cao trên 800 m so với mực nước biển và có khí hậu mát lạnh quanh năm; được thiên nhiên ưu ái nên cây chè Shan tuyết của địa phương không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt.

           

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà là “ba không”: (1) không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; (2) không pha chế, ướp hương liệu; (3) không bón phân vô cơ; năm 2020 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (Organic). Chè Shan tuyết của huyện Na Hang đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, trong chuyến thăm chính thức tại Việt Nam năm 2019. Sản phẩm Chè Shan tuyết cũng được các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh dùng làm quà tặng cho các đoàn khách đến thăm và làm việc tại tỉnh và các chuyến đi công tác ngoài tỉnh. Hiện nay sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, lựa chọn sử dụng, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Giá bán sản phẩm là 400.000đ/hộp/300g tương đương với giá 1.300.000 đồng/kg.

          (4)- Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng, chủ thể là Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hoá.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Tri Phú đã lựa chọn cây đậu đen là cây trồng đặc trưng của địa phương. Năm 2020, xã Tri Phú trồng 5,6 ha đậu đen xanh lòng ở các thôn: Bản Cham, Lăng Đén, Tiến Thành 1, Bản Tát, Bản Ba cho thu hoạch khoảng 5,0-5,5 tấn/vụ, thực hiện trồng 03 vụ/năm.

Trên nền tảng sản phẩm nông nghiệp được các hộ gia đình tự làm và được thị trường đánh giá là những sản phẩm tiềm năng của địa phương. Để phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tháng 10/2020 Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát được thành lập với đăng ký sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, trong đó hướng đến thu mua nguyên liệu đậu đen xanh lòng cho người dân xã Tri Phú và các xã lân cận để chế biến thành sản phẩm Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng. Sản phẩm đã được phân tích kiểm nghiệm an toàn thực phẩm theo quy định và đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Ngoài việc liên kết bao tiêu sản phẩm đậu đen trên địa bàn xã Tri Phú, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đã liên kết phát triển vùng nguyên liệu và hợp đồng bao tiêu sản phẩm hạt đậu đen với nhân dân các xã Kim Bình, Vinh Quang, Bình Nhân, tổng diện tích 6,2 ha cho thu hoạch khoảng 5,8 - 6,0 tấn/1 vụ. Bình quân mỗi tháng Hợp tác xã sản xuất ra khoảng 8.000 - 9.000 hộp trà thành phẩm, với giá bán từ 90.000đ - 100.000đ/hộp. Hiện nay sản phẩm đã có mặt ở các tỉnh thành trong cả nước như: Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Sóc Trăng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

(5)- Sản phẩm Cam sành Hàm Yên, chủ thể là Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Cam Sành Hàm Yên được bình chọn là một trong 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam năm 2012, Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013, Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015, 2019. Cam sành Hàm Yên đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2020.

          (6)-(7) Sản phẩm Chè xanh Ngọc Thúy và sản phẩm Trà Ngọc Thúy, chủ thể là Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao.

          Chè Ngọc Thuý là một trong những loại chè đặc sản địa phương. Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh rất chú trọng đến hoạt động sản xuất nguyên liệu chè búp tươi để phục vụ cho chế biến sản phẩm chè khô của đơn vị. Toàn bộ diện tích chè đặc sản Ngọc Thuý được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm chè của HTX rất phong phú và đa dạng, trong đó có sản phẩm độc đáo là Trà Ngọc Thuý - trà lạnh cấp đông, mới nghiên cứu thành công, được nhiều khách hàng tiêu dùng ưu thích.

Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã đã và đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định… tin dùng, đặc biệt sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống siêu thị. Hợp tác xã đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, toàn bộ sản phẩm của đơn vị đã được sử dụng tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc.

          (8)- Sản phẩm Thịt trâu khô Tiến Thành, chủ thể là Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Trâu ngố là một giống trâu nội có nguồn gốc ở miền Bắc Việt Nam. Tuyên Quang vốn nổi tiếng có giống trâu ngố vóc dáng to, khỏe. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, trọng lượng trâu đực trên địa bàn tỉnh trung bình là 457 kg/con, trâu cái trung bình 395 kg/con, trong đó con to có trọng lượng tới 800 – 900 kg. Những năm gần đây, trọng lượng trâu đực trung bình chỉ còn khoảng 370 kg/con, trâu cái khoảng 355 kg/con. Tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện chương trình chọn lọc, nhân thuần giống trâu tốt địa phương tại Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên, bố trí hợp lý nơi chăn thả, kết hợp trồng cây thức ăn xanh thô để phát triển đàn trâu. Hiện nay đã có trâu đực giống tốt có khối lượng từ 450 kg/con trở lên để phục vụ nhân giống, bảo tồn nguồn gen trâu Chiêm Hóa, trâu Hàm Yên, nâng cao tầm vóc đàn trâu. Trâu đực cung cấp cho các hộ dân đều là cá thể có tầm vóc, khối lượng lớn đạt từ 420 kg trở lên. Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh.

Thịt trâu khô Tiến Thành - tinh hoa ẩm thực của núi rừng. Hương vị thơm ngon, lạ miệng hòa quyện của mùi khói và các gia vị tẩm ướp đặc trưng của miền sơn cước. Nguyên liệu của sản phẩm có nguồn gốc từ những trang trại, hộ chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang.

          (9)- Sản phẩm Trà xanh hữu cơ Trung Long, chủ thể là Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Trà xanh hữu cơ Trung Long được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là sự kết hợp hài hòa của thiên thiên và tâm huyết của con người, với hương thơm đậm đà tinh tế, vị tiền chát, hậu ngọt sâu. Sản phẩm đã đạt giải Nhì tại Phiên chợ Nông sản hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức năm 2020. Giá bán: 800.000 đồng/kg.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(10)- Sản phẩm Mật ong hương rừng, chủ thể là Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Sản phẩm mật ong hương rừng được lấy từ mật của các loài hoa ở vùng núi rừng Tuyên Quang nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung. Mật ong hương rừng có mùi hương thơm đặc trưng, vị ngọt thanh được nhiều người tiêu dùng đón nhận bởi sản phẩm chất lượng và độc đáo.

          Trong năm 2021, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp quốc gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao đối với 03 sản phẩm, đó là: (1)-Chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá; (2)-Chè xanh Ngọc Thúy; (3)- Mật ong hương rừng.

          Ngoài việc hỗ trợ phát triển sản phẩm 5 sao, trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đưa ra mục tiêu hỗ trợ tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, đó là: Homstay Nặm Đíp, Thịt dê núi Thổ Bình, Lạc nhân Thổ Bình, Chè Shan Khau Mút, Cá Lăng Phi lê, cắt khúc, Bún khô Đà Vị, Cá kho Mạnh Mẽ, Chè đinh Pà Thẻn Linh Phú, Thịt trâu Hùng Mỹ, Cam sành Trung Hà, Cam sành Hà Lang, Chè Nõn Tân Thái Dương 168, Chè xanh Làng Bát, Vịt Bầu Minh Hương, Bưởi diễn Đức Ninh, Chè xanh Phú Lâm, Bưởi đường Xuân Vân, Bưởi đường đặc sản Phúc Ninh, Cam đường Phúc Ninh, Măng khô Tân Tiến, Măng khô Cường Đạt, Mật ong hoa rừng, Mật ong hoa nhãn, Tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát, Gạo đặc sản La Khai, Chè xanh Trung Long, Bột sắn dây Thục Sơn SD…

          Để thực hiện hoàn thành những mục tiêu nêu trên, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về các khâu, như: Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Yếu tố quyết định là cần có sự vào cuộc tích cực từ phía các chủ thể sản phẩm; chủ thể OCOP phải đóng vai trò chủ động trong tổ chức triển khai chu trình OCOP, cần tập trung thực hiện những việc sau:

- Mở rộng quy mô liên kết, phát triển vùng nguyên liệu, có kế hoạch chi tiết để sản xuất đảm bảo sản lượng ổn định, liên tục.

- Tổ chức sản xuất phải đề cao việc tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng sản phẩm, cụ thể như: Sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm đồng đều, có màu sắc, mùi vị phù hợp, hấp dẫn, tạo ra tính độc đáo của sản phẩm; sản xuất theo một trong các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: VietGAP/GlobalGAP/hữu cơ/ISO/HACCP…; thường xuyên thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đảm bảm đạt tiêu chuẩn sản phẩm của đơn vị đã tự công bố. Đồng thời nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ mới sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm đã có; phải lấy chất lượng sản phẩm là hàng đầu, không được chạy theo số lượng và lợi ích trước mắt; luôn đặt mình là người sử dụng sản phẩm OCOP.

- Tiếp tục phát triển, hoàn thiện phong cách, hình thức của bao bì sản phẩm đảm bảo thuận tiện, đẹp, sang trọng; xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với lịch sử, truyền thống, văn hoá địa phương.

- Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và tạo được niềm tin của khách hàng.

Với những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2021-2025./.

Người viết: Ngô Tuyết Nhung- Chi cục phát triển nông thôn