Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

Chính sách tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ 5, ngày 7 tháng 7 năm 2022 - 10:13
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đây là một trong những quan điểm đưa ra của Chính phủ trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Hiện nay, có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành, trong đó có chính sách gắn kết chặt chẽ giữa quyền lợi và trách nhiệm của người thụ hưởng, đó là chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có thể nghiên cứu và tiếp cận nguồn vốn, cụ thể như sau:

          (1)- Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, có nội dung như sau:

Hỗ trợ 80% lãi suất vốn vay đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà
xưởng, chuồng trại, kho bãi, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông
nghiệp hữu cơ theo dư nợ thực tế của hợp đồng vay vốn giữa tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 5,0 tỷ đồng/dự án.

Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn, tối đa không quá 36 tháng.

          (2)- Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, quy định hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm OCOP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo thực tế nhưng tối đa không quá 5,0 tỷ đồng/hợp tác xã. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 18 tháng đối với hợp tác xã vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng hàng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; không quá 36 tháng đối với hợp tác xã vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản và phát triển sản phẩm OCOP đã có quyết định công nhận phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.

(Ảnh: Cơ sở sản xuất của HTX An Quang; đơn vị đã được hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư nâng cấp cơ sở chế biến và phát triển sản phẩm OCOP. Địa chỉ: Tổ Dân phố Thịnh Tiến, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương)

b) Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho chủ trang trại vay vốn để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Mỗi chủ trang trại được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 1,0 tỷ đồng/trang trại. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 18 tháng đối với trang trại vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng hàng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; không quá 36 tháng đối với trang trại vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản.

c) Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn nuôi cá đặc sản, cá chủ lực. Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 1,0 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

d) Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 50% lãi suất tiền vay đối với cá nhân thuộc hộ khác (trừ trang trại) vay vốn mua trâu, bò nuôi sinh sản. Mỗi cá nhân được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 35,0 triệu đồng/con trâu cái sinh sản; 25,0 triệu đồng/con bò cái sinh sản. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 100,0 triệu đồng/cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

(Ảnh: Chuồng nuôi bò của hộ ông Ma Văn Tung, Thôn Khun Cúc, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hoá, đã được hỗ trợ lãi suất vay vốn chăn nuôi bò theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh)

đ) Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn (kéo dài tuổi rừng lên trên 10 năm). Mỗi diện tích rừng thực hiện chuyển hoá, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất tiền vay 01 lần/đơn vị diện tích đó. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 70,0 triệu đồng/ha; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến tháng 6/2021 đã có 14 hợp tác xã, 54 chủ trang trại, 05 tổ chức, cá nhân nuôi cá đặc sản, cá chủ lực và 396 cá nhân chăn nuôi trâu, bò sinh sản được vay vốn có hỗ trợ lãi suất, với tổng vốn được vay trên 40,8 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ lãi suất trên 1,2 tỷ đồng.

(3)- Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021 đến 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, có nội dung như sau:

a) Cho tổ chức, cá nhân vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý. Tổng mức cho vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng đối với Dự án vùng trồng dược liệu quý, không vượt quá 92 tỷ đồng đối với Dự án trung tâm nhân giống. Thời hạn cho vay do Ngân hàng chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thoả thuận tối đa là 10 năm. Lãi suất cho vay 3,96%/năm.

b) Cho doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Mức cho vay tối đa là 02 tỷ/khách hàng. Thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ.

(4)- Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, quy định như sau:

Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thoả thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023; sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thoả thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo (trong phạm vi tổng mức 40.000 tỷ đồng), nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm.

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có thể nghiên cứu, tiếp cận chính sách tín dụng tại một trong số các văn bản nêu trên./. 

(Người viết bài: Ngô Tuyết Nhung, Chi cục Phát triển nông thôn Tuyên Quang)