Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

Dầu lạc Trường Thịnh – sản phẩm OCOP của làng quê Bâm Dương

Thứ 4, ngày 27 tháng 7 năm 2022 - 16:44
Khi nói về xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, gợi cho chúng ta nhớ đến làng quê Bâm Dương với nghề truyền thống là trồng lúa, trồng lạc; trước đây sản phẩm lạc chủ yếu là bán sản phẩm thô cho thương lái với giá cả không ổn định.

Khi nói về xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, gợi cho chúng ta nhớ đến làng quê Bâm Dương với nghề truyền thống là trồng lúa, trồng lạc; trước đây sản phẩm lạc chủ yếu là bán sản phẩm thô cho thương lái với giá cả không ổn định. Trăn trở trước sự khó khăn của người nông dân sản xuất lạc tại xã Trường Sinh, lạc sản xuất ra giá bán thấp, không ổn định, luôn bị ép giá. Năm 2018, ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Trường Sinh đã tổ chức lại sản xuất, vận động các thành viên hợp tác xã thực hiện dồn thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch liền thửa với diện tích ban đầu là 4,7 ha với trên 30 hộ tham gia liên kết để thực hiện đồng bộ cơ giới hoá trong quy trình sản xuất lạc, giảm chi phí nhân công lao động, tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung; đồng thời vận động các thành viên hợp tác xã tham gia góp vốn đầu tư dây truyền, máy móc thiết bị sản xuất dầu lạc. Hiện nay, vùng sản xuất nguyên liệu lạc vỏ tại địa bàn xã Trường Sinh của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Trường Sinh có trên 30 ha với trên 60 hộ dân tham gia liên kết sản xuất; hợp tác xã làm dịch vụ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng lạc và thu mua toàn bộ lạc vỏ của người dân sản xuất ra để chế biến dầu lạc.

(Ảnh: Hợp tác xã nông lâm nghiệp Trường Sinh đang thu hoạch lạc vụ xuân năm 2022)

Theo ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Trường Sinh cho biết: Sản phẩm Dầu lạc Trường Thịnh được chế biến chủ yếu từ nguồn nguyên liệu lạc trồng tại xã Trường Sinh và một phần thu mua lạc vỏ của người dân trồng lạc tại huyện Chiêm Hoá và Lâm Bình; lạc được tuyển chọn kỹ lưỡng, loại bỏ những hạt lép, hạt bị đổi màu; trước khi ép dầu, lạc được rang thơm, cùng với bí quyết riêng trong quá trình chế biến, sản phẩm Dầu lạc Trường Thịnh luôn giữ được hương thơm đặc trưng của lạc. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong năm 2021 trên 2.400 lít và 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 2.000 lít; giá bán lẻ hiện nay là 130.000 đồng/lít (sản phẩm khi chưa tham gia OCOP bán với giá 110.000 đồng/lít).

 

(Ảnh: Sản phẩm Dầu lạc Trường Thịnh của HTX nông lâm nghiệp Trường Sinh)

 Để sản phẩm phát triển và có sức cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, trở thành sản phẩm có thương hiệu của địa phương, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Trường Sinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu “Tân Trường Thịnh”. Năm 2020, sản phẩm dầu lạc Trường Thịnh tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Từ khi tham gia chương trình OCOP đến nay, sản phẩm dầu lạc Trường Thịnh được nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn, mức tiêu thụ tốt hơn so với trước đây.

Hiện nay, sản phẩm dầu lạc Trường Thịnh đã có ở hầu hết các bếp ăn của nhân dân trong xã Trường Sinh; sản phẩm dầu lạc Trường Thịnh cũng đã có trên thị trường một số tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hà Giang, Phú Thọ và một số tỉnh khu vực phía Nam. Khách hàng có thể liên hệ mua sản phẩm theo các địa chỉ sau: Tại thành phố Tuyên Quang, sản phẩm dầu lạc Trường Thịnh được bày bán tại Cửa hàng Thực phẩm xanh Sáng Nhung, Tổ 8, phường Phan Thiết; Cửa hàng Tâm Hương, Tổ 2, phường Phan Thiết và Cửa hàng Liên Phát, Tổ 1, phường Hưng Thành. Địa chỉ nơi sản xuất: Hợp tác xã nông lâm nghiệp Trường Sinh, thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương; người đại diện: ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc HTX; điện thoại 0984981014./.

Ngô Tuyết Nhung

Chi cục Phát triển nông thôn