Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

OCOP nâng chất cho các HTX tỉnh Tuyên Quang (Bài cuối): Đồng hành cùng kinh tế tập thể, HTX

Thứ 6, ngày 9 tháng 7 năm 2021 - 09:13
Những năm qua UBND tỉnh Tuyên Quang cùng các ngành chức năng đã có nhiều chính sách đồng hành cùng khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, lấy việc ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy, phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống cho người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng

Được thành lập từ tháng 5/2013, đến nay, HTX ong Phong Thổ, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận bởi nhiều sản phẩm chất lượng, độc đáo.

"Cú hích" từ OCOP

Hiện nay, với quy mô trên 13 nghìn đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm, HTX Ong Phong Thổ, xuất ra thị trường khoảng 300 - 400 tấn mật ong, 10 - 15 tấn phấn hoa, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc Tày, Dao, Mông với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh sản phẩm chính là mật ong hoa rừng, hoa nhãn, hoa vải... HTX còn có mật ong hoa bạc hà từ cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Sản phẩm OCOP của HTX ong Phong Thổ đã tạo cú hích, góp phần cho phát triển kinh tế HTX tỉnh Tuyên Quang.

Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX cho biết, việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có 2 sản phẩm là: Mật ong hương rừng (xếp hạng 4 sao); Mật ong hoa rừng (xếp hạng 3 sao), là cơ hội để HTX quảng bá, giới thiệu đặc sản này ở nhiều thị trường lớn có yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Rõ ràng, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các chủ thể là HTX, doanh nghiệp, người dân... nhiều nông sản của tỉnh Tuyên Quang đã phát triển theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành, như: mô hình cây ăn quả có múi, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, HTX rau an toàn, cá đặc sản…

Chính vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chương trình OCOP cũng giúp làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với định hướng thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc các sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP 4 sao và 3 sao đã tạo cú hích nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tái cơ cấu nghành nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao thương hiệu giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiều chính sách đồng bộ

Ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 dân tộc, sinh sống. Tuyên Quang hiện có 495 HTX với 2.190 cán bộ quản lý và hàng chục nghìn người lao động làm việc không thường xuyên, nhất là vào thời kỳ cao điểm trong thu hái chè, trồng, thu hoạch rau màu, trồng thu hoạch lạc… Do vậy, hầu như HTX nào cũng có người lao động hoặc quản lý là người dân tộc thiểu số tham gia.

Những năm qua, cùng với sự vào cuộc hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể OCOP là doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể để xây dựng sản phẩm OCOP. Từ đó, từng bước đưa nông sản của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong đó tập trung khai thác thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và chú trọng đến kênh bán hàng trong chuỗi cửa hàng, siêu thị.

“Chỉ có như vậy mới nâng cao được giá trị sản phẩm của địa phương, từ đó mới tạo được việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của thành viên, người lao động trong các HTX”, ông Cường nói.

 

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: "Được chứng nhận OCOP đã giúp cho nhiều sản phẩm của địa phương, trong đó có cây chè tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị".

Không chỉ hỗ trợ về sản phẩm OCOP, tỉnh Tuyên Quang còn đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ các HTX thực hiện mô hình HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX nông nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái, huyện Na Hang được hỗ trợ chứng nhận 29 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện liên kết chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cho người dân.

Cùng với đó là hỗ trợ việc thực hiện thí điểm cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện trả hỗ trợ lương cơ bản cho 3 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở 3 HTX gồm: HTX nông lâm nghiệp Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Sơn Dương; HTX chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên; HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Quang, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Sau hơn 1 năm áp dụng, cả 3 HTX này đều bước đầu có sự phát triển ổn định cả về tư duy sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang hiện có 79 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 62 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao. Trong số này cơ bản chủ thể là các HTX.

Tỉnh đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, có ít nhất 180 sản phẩm OCOP mới, trong đó có 7 sản phẩm OCOP 5 sao, 44 sản phẩm 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh lên 260 sản phẩm.

“Để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các chủ thể thì việc sử dụng nhân lực trẻ trong các HTX sẽ tạo thuận lợi, bởi họ luôn năng động, nhanh nhạy tiếp cận thị trường, nhiệt huyết với công việc. Tuy nhiên những người trẻ cần phải nỗ lực học tập kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, cũng như trong quan hệ đối tác. Có như vậy các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang mới thực sự đem lại giá trị”, ông Nam nói.

 

Người sưu tầm: Nguyễn Văn Hiệp/Nguồn: Phạm Duy/báo dân tộc - Tôn giáo.