Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

Huyện Cư M’gar phát triển sản phẩm OCOP

Thứ 6, ngày 28 tháng 5 năm 2021 - 16:56
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) đạt nhiều kết quả tích cực. Số lượng sản phẩm đăng ký và được công nhận ngày càng nhiều.

Nhận thấy thị trường tinh bột nghệ có tiềm năng phát triển, năm 2014 chị Trần Thị Kim Luyến ở thôn 4, (xã Ea Tar) đã bắt tay thử nghiệm làm tinh bột nghệ. Khi đã làm ra được sản phẩm ưng ý, chị đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mỗi khâu trong quá trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt, không sử dụng chất nhân tạo nên sản phẩm làm ra được thị trường rất ưa chuộng.

Chị Trần Thị Kim Luyến (bìa phải) đang giới thiệu sản xuất tinh bột nghệ

 của gia đình. Ảnh T.Dũng

          Đến nay, các sản phẩm của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của gia đình được tiêu thụ ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore và nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bến Tre, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội... Hiện, sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP  3 sao cấp tỉnh.

          Chị Luyến – chia sẻ: “Mỗi năm, cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 2 tấn tinh bột nghệ vàng, nghệ trắng truyền thống, bình quân mỗi tấn tinh bột bán được 300 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí hết đầu tư thì vẫn có thu nhập trên dưới 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương…”.

          Thực hiện chương trình OCOP, những năm qua huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền vận động và có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân trên địa bàn tham gia; tăng cường hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP; đồng thời đẩy mạnh chương trình kết nối quảng bá để sản phẩm được giới thiệu rộng khắp tại các thị trường ngoài địa phương…

          Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, tính đến nay trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, có nhiều tiềm năng phát triển của huyện. Cụ thể, có 1 sản phẩm thực phẩm (thịt gà đen H’Mông), 5 sản phẩm tinh bột nghệ, mật ong và còn lại là sản phẩm đồ uống, tập trung ở các địa phương như: xã Quảng Hiệp, xã Ea M’droh, xã Ea Tar, xã Cư Suê và thị trấn Quảng Phú… Từ lợi thế của mỗi sản phẩm được công nhận và sự chủ động của các chủ thể, một số sản phẩm OCOP của huyện đã và đang tiếp cận được một số thị trường tiềm năng...

          Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết: “Có thể thấy rằng ý thức của các chủ thể tham gia thực hiện sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, nhất là đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã là rất tốt, rất nhiệt tình; thậm chí có nhiều sản phẩm được đánh giá không đạt nhưng họ cũng cố gắng khắc phục, cải thiện để cho đạt chứ không bỏ cuộc… Trong 10 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, có 4 sản phẩm của doanh nghiệp, 3 sản phẩm của hộ gia đình, còn lại của các hợp tác xã. Đặc biệt, có 1 sản phẩm điểm đạt 4 sao nhưng do thiếu chứng chỉ truy vùng nguyên liệu nên đang được xem xét lại…”.

          Huyện Cư M’gar có nhiều lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là có đa dạng các sản phẩm, từ sản phẩm nông nghiệp đến sản phẩm làng nghề truyền thống… Để khơi dậy được những tiềm lực này thì bản thân mỗi người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần phải chú trọng đến việc thay đổi quy mô, hình thức sản xuất, từng bước nâng tầm giá trị và chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình.

 

Người sưu tầm: Đỗ Đắc Huy

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam