Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

OCOP – Động lực phát triển kinh tế nông thôn Yên Bái

Thứ 6, ngày 28 tháng 5 năm 2021 - 16:51
Để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác tiềm năng địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” (OCOP). Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh bước đầu khẳng định được thương hiệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc, góp phần tăng nguồn lực kinh tế địa phương.

Để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác tiềm năng địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” (OCOP). Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh bước đầu khẳng định được thương hiệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc, góp phần tăng nguồn lực kinh tế địa phương.

Nhờ hướng đi đúng, sản phẩm OCOP quế Văn Yên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào dân tộc.

Nâng cao giá trị nông sản địa phương

Yên Bái là một trong những tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490 ngày 7/5/2018 và Quyết định số 1048 ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình OCOP của Yên Bái có mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

 

 

“Chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, phát huy tính sáng tạo của nông dân, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái” - ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.

Để động viên đồng bào dân tộc tham gia Chương trình OCOP, Yên Bái đã ban hành các chính sách đặc biệt, cụ thể như hỗ trợ chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 200 triệu đồng/sản phẩm mới, 100 triệu đồng/sản phẩm nâng cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, góp phần quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đối tác. Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, chỉ trong vòng 1 tháng sau khi được phê duyệt, tỉnh đã hoàn thành và cho ra mắt nhiều sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.

Cá mương sấy hồ Thác Bà của Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) là sản phẩm OCOP được công nhận hạng 3 sao cấp tỉnh.

Nhờ sự hưởng ứng tích cực của đồng bào dân tộc, đến hết năm 2020, Yên Bái đã có 83 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao, 17 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, điển hình như: quế Văn Yên, gạo Mường Lò, măng tre Bát Độ, chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà... Hầu hết những sản phẩm OCOP này được bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào, sản phẩm OCOP còn góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Yên Bái.

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái bước đầu khẳng định được thương hiệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc.

 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn

Cây quế được coi là “vàng xanh” giúp người Dao ở huyện Văn Yên thoát nghèo. Đặc biệt là sau khi các sản phẩm làm từ quế được chứng nhận sản phẩm OCOP, thu nhập từ trồng quế đã giúp nhiều hộ gia đình người Dao có cuộc sống khá giả. Văn Yên hiện là địa phương trồng quế lớn nhất cả nước với tổng diện tích trên 50.000 ha, bình quân mỗi năm xuất bán khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, 63.000 tấn cành lá quế, 300 tấn tinh dầu quế, đem lại nguồn thu trên 700 tỷ đồng. Chị Lương Thị Trinh, người Dao ở thôn Ngòi Viễn, xã Xuân Ái chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 10 ha quế, được doanh nghiệp bao tiêu nên không phải lo về đầu ra. Khi nào có việc cần tiền, gia đình mới bán vỏ quế và chỉ cần tỉa cành, lá quế đem bán cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Tuyết Sơn Trà là sản phẩm OCOP được sản xuất thủ công do chính tay người Mông thu hái trên những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, sống ở độ cao trên 1.371 mét tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái)

Với người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, nhiều năm qua, những cây chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã trở thành nguồn thu nhập chính. Sau khi sản phẩm Tuyết Sơn Trà của Hợp tác xã (HTX) chè Suối Giàng được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2018 - 2020, người Mông ở nơi đây càng quyết tâm gìn giữ, bảo vệ cây chè, thay đổi nhận thức trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Anh Nguyễn Tuấn Anh, Chánh văn phòng Huyện ủy Văn Chấn chia sẻ: “Toàn huyện hiện có 1.500 ha chè Shan Tuyết, sản lượng trên 3.500 tấn/năm, luôn được thu mua với giá cao. Nhờ cây chè, nhiều hộ người Mông đã mua được ô tô, xe máy và xây dựng nhà cửa khang trang. Năm 2020 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn trên 10%, giảm gần 7% so với năm 2019”.

 

 

Măng tre Bát Độ đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo chủ lực của nhiều hộ đồng bào dân tộc ở các xã như: Kiên Thành, Hồng Ca, Tân Đồng, Y Can, Hưng Khánh… thuộc huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Các khâu từ đánh bắt, chế biến đến quảng bá, kinh doanh sản phẩm cá sấy đều được thực hiện bởi các thành viên Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái).

                                          Cùng với việc tích cực triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Yên Bái đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các chủ thể trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Thành công bước đầu của Chương trình OCOP đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng tầm sản phẩm đặc trưng Yên Bái. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu, từ nay đến năm 2025, Yên Bái đặt mục tiêu phát triển 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh, phát triển thêm 10 sản phẩm mới.

 

Người sưu tầm: Lê Thị Thu Hường

Nguồn: Anh Đào – An Thành Đạt/Xúc tiến thương mại cho sản phẩm ocop.