Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

OCOP - “Bệ phóng” cho thương hiệu nông sản

Thứ 5, ngày 24 tháng 6 năm 2021 - 16:14
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, chuyên môn hóa. Đặc biệt, chương trình đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, chuyên môn hóa. Đặc biệt, chương trình đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX Nấm Tam Đảo là sản phẩm OCOP được nhiều người tin dùng

 

Nhiều năm qua, sản phẩm của HTX Nấm Tam Đảo do ông Nguyễn Quốc Huy (thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo) làm giám đốc đã trở thành món ăn hấp dẫn của không chỉ các gia đình mà cả trong nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Có được điều đó là nhờ sự thay đổi tư duy, nhận thức trong chuyển đổi mô hình sản xuất, từ nhỏ lẻ, manh mún sang đầu tư bài bản, sản xuất quy mô lớn.

HTX Nấm Tam Đảo đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để sản xuất các loại nấm, trong đó có nấm đông trùng hạ thảo nhằm đưa sản phẩm của HTX tham gia chương trình OCOP địa phương.

Ông Huy cho biết: Từ khi tham gia chương trình OCOP, tôi được tham gia nhiều chương trình tập huấn chuyển giao công nghệ, tham quan các mô hình sản xuất công nghệ cao... để có thêm kinh nghiệm trong sản xuất nấm, đảm bảo mọi tiêu chí về nông sản sạch.

Các sản phẩm nấm của HTX được hỗ trợ về hoàn thiện bao bì, nhãn mác, được quảng bá, trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ thương mại, lễ hội và nhiều nơi trong, ngoài tỉnh, giúp đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Sản phẩm nấm của HTX đã đạt 3 sao tại cuộc thi đánh giá và xếp hạng chất lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Với việc tham gia chương trình OCOP giúp cho HTX tăng sản lượng và nâng cao giá thành sản phẩm.

Sản phẩm nấm sạch của HTX Nấm Tam Đảo là 1 trong số 40 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được xếp hạng, đánh giá. Trong 40 sản phẩm, có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao như: Sản phẩm sữa của HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, Trà hoa vàng, rau su su, ba kích (Tam Đảo); sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Ong Tam Đảo, sản phẩm nấm của Công ty TNHH Nấm Phùng Gia; Thanh long ruột đỏ (Lập Thạch)…

Để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng bám sát chủ trương thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để xây dựng phát triển các sản phẩm phù hợp.

Đồng thời, tổ chức cho địa phương, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; học tập kinh nghiệm sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu từ chương trình OCOP, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm.

Nhằm đưa các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo thành kênh kết nối quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Bà Đinh Hồng Thủy, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Nhiều người bạn của tôi ở Hải Dương, Hà Nam sau khi mua sữa chua Tam Đảo, trà hoa vàng và cá thính Lập Thạch tại hội chợ thấy chất lượng tốt nên mỗi lần tới Vĩnh Phúc đều mua về dùng và làm quà cho người thân.

Tôi nhận thấy, nông sản trên địa bàn tỉnh khi tham gia chương trình OCOP rất có lợi, không chỉ được hỗ trợ các điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà còn xây dựng được thương hiệu, nhiều người biết đến và có cơ hội mở rộng thị trường”.

Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 15 – 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị chuyên môn quan tâm, phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, coi OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Trong đó, nghiên cứu, khảo sát các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiềm năng ở từng vùng, từng địa phương; tư vấn giúp hộ dân, đơn vị mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... đáp ứng đầy đủ các tiêu chí OCOP.

Đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, tiếp tục hỗ trợ địa phương, chủ thể đổi mới mẫu mã, tăng tính đặc trưng của từng vùng, từng địa phương; duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm để được nâng hạng sao.

Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường với các sản phẩm OCOP, ngành chức năng tăng cường tổ chức các chương trình, giới thiệu, quảng bá tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, hội chợ trong và ngoài tỉnh để khách du lịch và người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc.

Người sưu tầm: Lê Thị Thu Hường

Nguồn: Bài, ảnh: Phương Loan/Ocop Bộ Nông nghiệp.