Tìm thấy 1121 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

Tuyên Quang: Ống tre, sợi mây, cây tế giúp người dân Lâm Bình đổi đời, có tiền gửi ngân hàng

Thứ 5, ngày 24 tháng 6 năm 2021 - 16:01
Tận dụng “rừng vàng”, HTX Nhật Minh phát triển các sản phẩm mây tre đan sinh thái, không chỉ bắt kịp xu hướng sống xanh mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương với thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng.

Mây tre đan - sản phẩm truyền thống và hiện đại

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, có độ che phủ rừng đạt trên 75%, thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú…  

Nhìn thấy tiềm năng của "rừng vàng", chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX Nhật Minh (xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cùng những người bạn đã khôi phục nghề mây tre đan và định hướng sinh kế bền vững cho bà con dân tộc.

Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX Nhật Minh giới thiệu về các sản phẩm mây tre đan.

"HTX Nhật Minh phát triển 2 dòng sản phẩm: Sản phẩm thủ công đan lát từ mây, cây tế và sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre. Các sản phẩm của chúng tôi có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thủ công và công nghệ", chị Thảo nói.

Người Tày vốn giỏi đan lát nên chỉ cần hướng dẫn 2-3 ngày là họ có thể đan được các sản phẩm hoàn thiện. Bằng đôi bàn tay khéo léo, họ đã biến những sợi mây, sợi tế thành những chiếc giỏ, làn, khay lạ mắt, sang trọng.

Ngoài ra, HTX cũng nghiên cứu thị trường và học hỏi những công nghệ chế biến tre, đầu tư máy móc làm các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, hợp với xu thế.

Theo anh Hoàng Văn Nhiệm, thành viên HTX, những cây tre già từ 15-20 năm, dài trên 4m, đủ đốt, không mất ngọn sẽ được đốn về làm đồ mỹ nghệ. Nguyên liệu tre, trúc được công nhân tận dụng triệt để những cây tre, trúc có thể làm ra đa dạng các loại sản phẩm như giường, bàn ghế, đồ gia dụng, trang trí...

Sản phẩm mây tre của HTX Nhật Minh luôn đòi hỏi kỹ thuật tinh tế nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng

Những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa…

Nếu làm thủ công, các sản phẩm từ tre trông sẽ thiếu thẩm mỹ, dễ bị mốc và tốn thời gian. Do đó, HTX đã nghiên cứu và đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy hấp, máy sấy, máy chà, máy cắt, máy đục, máy khoan, máy khắc…

Anh Nhiệm cho biết: "Để làm được những chiếc cốc, bình tre phải trải qua gần 10 công đoạn như thu hoạch, hấp nhiệt để ép hết chất đường trong tre, sấy 24 tiếng, cắt phôi, định hình, chà thô, chà mịn, khắc và tinh chỉnh.

Tuy nhiên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có độc đáo, mang bản sắc của Lâm Bình thì cần khả năng sáng tạo, đôi bàn tay người thợ tạo nên "hồn cốt" của sản phẩm".

Từ sinh thái, sinh nhai thành sinh kế

Khi du lịch Lâm Bình chưa phát triển, bà con trong xã Khuôn Hà chủ yếu làm nương rẫy, những ngày nông nhàn thì trồng rau, nuôi gà. 

2 vụ mùa chỉ chiếm khoảng 2-3 tháng, phụ nữ, người trung niên ở địa phương có nhiều thời gian rảnh rỗi nhưng không có việc làm. Nhờ có du lịch, HTX mây tre đan cũng tạo được nhiều việc làm cho phụ nữ và người trung niên.

Bà Trịnh Thị Phòng, thôn Cà Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng đôi bàn tay khi đặt lên lóng đan lại nhanh thoăn thoắt.

"Tôi thường nhận đan giỏ, đĩa mây cho HTX. Ngày nào đan hết công suất thì được 3 chiếc đĩa, thu về 180.000 đồng. Trước đây, gia đình tôi làm rẫy thì chỉ đủ ăn, giờ đan giỏ, đan làn có thêm chút tiền tiết kiệm, gửi ngân hàng lấy lãi" - bà Phòng cho biết. 

HTX Nhật Minh đã góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con đồng bào dân tộc Tuyên Quang.

Không chỉ giúp phụ nữ có thêm đồng ra đồng vào, HTX tạo cơ hội cho các thanh niên trụ cột gia đình làm việc tại xưởng với thu nhập ổn định so với vùng núi mà không phải bôn ba xứ người mưu sinh.

Anh Hoàng Văn Nhiệm cho biết: "Trước đây, tôi từng làm rất nhiều nghề nhưng ở nông thôn thì chẳng có nghề nào cố định, gặp gì làm nấy nên thu nhập gia đình bấp bênh".

"Vào HTX, cả ngày làm việc với máy móc tuy có vất vả nhưng đem lại cho tôi thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, cao điểm như tháng Tết Nguyên đán tôi kiếm được hơn 10 triệu đồng. Với mức thu nhập này, tôi có thể yên tâm lập nghiệp ở quê hương", anh Nhiệm tâm sự.

Từ ý tưởng phát triển sản phẩm sinh thái, giờ đây HTX Nhật Minh đã giúp bà con dân tộc nơi đây có công ăn việc làm ổn định.

HTX Nhật Minh đã giải quyết việc làm gần 30 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng

Sau gần 3 năm thành lập, trung bình mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường từ 6.000-7.000 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu từ 70-100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Khi có đơn hàng lớn, HTX giải quyết việc làm gần 30 lao động nhàn rỗi. Theo đó, các lao động có thể nhận sản phẩm về nhà và đan, tiền lương tính theo sản phẩm với giá trung bình từ 60.000-100.000 đồng.

"Thông qua các sản phẩm thân thiện với môi trường, tôi muốn gửi thông điệp khi khách hàng là khi sử dụng sản phẩm mây tre đan nghĩa là bạn góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống, đồng thời tạo việc làm, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bà con vùng cao", chị Thảo nói.

Tiềm năng OCOP từ mây tre đan

Ngày nay, rác thải nhựa đang gây ra thảm họa cho môi trường, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thì những sản phẩm mỹ nghệ sinh thái của HTX Nhật Minh được ưa chuộng, săn đón.

Các sản phẩm mây tre đan của HTX nhận luôn đa dạng về mẫu mã, chủng loại,

 hướng tới sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

Là người trẻ, chị Thảo khá nhạy bén với các phương thức kinh doanh. Chị đem các sản phẩm mây tre đan quảng bá tại hội chợ, liên kết với các homestay, khu du lịch các tỉnh như Hà Giang, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, ở thời đại công nghệ 4.0, việc quảng bá, mua bán thuận tiện hơn, gói gọn trong chiếc máy tính và điện thoại. Chị tích cực đăng tải thông tin lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, kết nối khách hàng trên mọi miền Tổ quốc.

Trong thời gian này, chị Thảo cùng các thành viên chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2021 với các sản phẩm cốc tre, bộ ấm chén tre, giỏ mây…

Giám đốc HTX Nhật Minh cũng cho biết: "Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch đóng băng, HTX gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho bà con.

Chúng tôi tiếp tục đăng ký tham gia chương trình OCOP để mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác, xuất khẩu sản phẩm thì con đường của HTX mới không là ngõ cụt".

Theo bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà: "Mô hình sản xuất các sản phẩm mây tre của HTX Nhật Minh là mô hình kinh tế hiệu quả, giúp người dân có việc làm ổn định và giảm nghèo, thoát nghèo.

"Chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào các sản phẩm này khi tham gia chương trình OCOP, xã sẽ tiếp tục kết nối với tỉnh, huyện và các doanh nghiệp, hỗ trợ HTX về đầu ra sản phẩm" - bà Hòa cho biết thêm.

 

Người sưu tầm: Vi Thế Truyền/Nguồn ST: Trang Mơ - Báo Dân Việt.vn.